LTS: Bạc Liêu mang cái tên này từ năm 1900 khi thực dân Pháp chiếm Nam Kỳ Lục tỉnh. Thời Pháp thuộc, xứ Bạc Liêu dân cư đông đúc, chợ búa tấp nập, du lịch phát triển… Nhưng từ 1956 về sau, việc Bạc Liêu nhiều lần bị chia tách, sáp nhập, giải thể, kinh tế èo uột, đã khiến người Bạc Liêu luôn mong được “lấy lại tên mình”. Mãi tới 1/1/1997, Bạc Liêu mới chính thức tái lập, trở thành động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bạc Liêu quyết tâm hành động và kiến tạo, phục sinh những thịnh vượng từng có.
Ngày 1/1/2017 tới đây, Bạc Liêu sẽ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, Báo NB&CL sẽ cùng Đảng bộ, chính quyền, doanh nhân và người dân Bạc Liêu ôn lại những khó khăn, gian khổ thuở tái lập, những thành quả họ đã tạo nên, những trở ngại, vướng mắc còn cản bước…
Gần 20 năm trước, khi tái lập tỉnh lần thứ 2 (1/1/1997), Bạc Liêu đứng trước muôn vàn khó khăn: thiếu vốn, nhân lực, yếu về cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm quản lý, xa các trung tâm kinh tế lớn… Nhưng điều kì diệu là 2 thập kỷ sau, từ xuất phát điểm rất… thấp ấy, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân nơi đây đã chung tay phục dựng lại một Bạc Liêu, từ một “đại công trường ngổn ngang”, trở thành vùng đất ổn định, khai mở nhiều tiềm năng, hội tụ cả thế và lực để sẵn sàng chuyển mình, cất cánh.
Những bước tiến dài…
Chỉ vài năm sau ngày tái lập, giai đoạn 2000-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trung bình lên tới 11%, ổn định ở mức 12% từ đó tới nay, quy mô kinh tế không ngừng lớn mạnh. Bên cạnh đó, GDP khi mới tái lập chỉ khoảng 1.660 tỷ đồng, thì đến 2015 đã lên đến gần 15.017 tỷ đồng, gấp khoảng 9,3 lần. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỉ trọng khu vực nông nghiệp khi tái lập còn chiếm trên 70%, thì đến 2015 chỉ còn 47,62%, nhường chỗ cho công nghiệp – xây dựng (25,36%) và dịch vụ (27,02%) phát triển. GDP/người cũng tăng nhanh, 2013 là 34,3 triệu đồng, tới 2015 ước đạt tới 44,6 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, các con số về tỉ lệ hộ nghèo, tình trạng mù chữ, người không được dùng nước sạch, không được chăm sóc sức khỏe sinh sản… giảm dần mỗi năm – minh chứng của việc đời sống vật chất, tinh thần của người dân luôn đổi thay, cải thiện.
Điều mà nhà đầu tư quan tâm nhiều có lẽ là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI). Trước năm 2010, Bạc Liêu lần lượt xếp thứ 59, 62 và 42, thuộc diện “đội sổ”. Nhưng gần đây, tỉnh vươn lên thứ 22 (2014), 14 (2013) và thứ 7 (2012). Năm 2015, Bạc Liêu xếp thứ 33, nhưng chỉ số về cạnh tranh bình đẳng cao nhất nước, với 7.29 điểm.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Khái chia sẻ rằng, những thành tựu đã đạt được, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo, ủng hộ của Trung ương Đảng, Chính phủ và các Bộ, Ban, ngành trung ương, các địa phương trong khu vực và cả nước, cũng nhờ vào việc tỉnh có hướng phát triển kinh tế – xã hội phùhợp với thực tiễn; cấp ủy, chính quyền các cấp quyết tâm cao; năng lực, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm vì cái chung của đa số cán bộ, đảng viên, công chức được nâng lên… Đặc biệt, Bạc Liêu đã tạo dựng được sự đồng thuận trong đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân.
Chọn hướng phát triển bền vững
Những con số biết nói, nhưng chưa đủ. Cái người dân và nhà đầu tư trong và ngoài nước (không chỉ ở Bạc Liêu) cần nhìn thấy rõ là hướng đi và việc khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có về kinh tế biển, nông – ngư nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch.
Xứ sở được coi là “vựa lúa”, “vựa tôm” của miền Tây Nam Tổ quốc giờ đã được tỉnh quy hoạch nông nghiệp lại ngay ngắn, khoa học. Nội địa được chia làm 2 vùng sản xuất rõ rệt (vùng Bắc và vùng Nam Quốc lộ 1A), trở thành các vùng chuyên canh lớn: Vùng Bắc được quy hoạch là vùng sản xuất chuyên lúa ổn định với những “cánh đồng mẫu lớn” ứng dụng công nghệ cao đãhình thành, cho ra những loại lúa đặc sản như: Một bụi đỏ, Tài nguyên nức tiếng. Còn Vùng Nam được quy hoạch làm vùng nuôi trồng thủy sản và làm muối. Về muối, diện tích muối Bạc Liêu giữ ổn định 2.500 ha, vẫn nức tiếng cả nước và đã làthương hiệu quốc gia.
Xin nói nhiều về con tôm Bạc Liêu, “động lực” của nông nghiệp tỉnh này.
Tại hội thảo cụm kinh tế bán đảo Cà Mau do Bộ NN&PTNT tổ chức giữa tháng 9/2016, Bạc Liêu xác định thế mạnh lớn nhất của mình là nuôi tôm, với sản lượng khoảng 105.000 tấn/năm, xếp thứ hai cả nước. Riêng tôm giống, sản lượng là 25 tỉ con/năm, chiếm 50% của vùng ĐBSCL. Ở Bạc Liêu bây giờ, người dân đang áp ụng mô hình canh tác tôm – lúa bởi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao hơn 15-30% (từ 35-50 triệu đồng/năm) so với độc canh cây lúa, nuôi tôm. Đặc biệt, mô hình này tránh được việc lạm dụng thuốc kháng sinh, bảo vệ thực vật, giúp sản phẩm dễ vượt qua các“rào cản kỹ thuật” trong xuất khẩu, đang được nhân rộng ở Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang…
Con tôm đang chứng minh giá trị thực tiễn, thì Đảng bộ, chính quyền Bạc Liêu cũng “động viên” một cách thiết thực nhất với đề án“Tái cơ cấu ngành thủy sản tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Trong đó, Bạc Liêu đặt mục tiêu trở thành vùng nuôi tôm lớn nhất cả nước và dự kiến quy hoạch “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu”, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng về điện, đường, cấp thoát nước… cho khu vực nuôi tôm, sản xuất tôm giống tập trung, để thu hút đầu tư.
Hướng đi của Bạc Liêu mới đây đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hết lời khen ngợi. Việc Thủ tướng giao Bộ NN&PTTN chủ trì cùng với các Bộ liên quan hỗ trợ Bạc Liêu như tiếp thêm động lực cho Bạc Liêu lựa chọn nông nghiệp “sạch” thành đòn bẩy cho công cuộc phát triển.
Bứt phá đi lên bằng “chất” riêng
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới các giá trị văn hóa của Bạc Liêu.
Bạc Liêu, vùng đất quật cường trong kháng chiến, cũng là nơi hội tụ, giao thoa giữa 3 dòng văn hóa của người Kinh, người Khmer, người Hoa, như đã tạo nên những con người hiếu khách, trọng tình nghĩa, cần cù, phóng khoáng… Vậy Bạc Liêu có thể đi lên từ văn hóa? Đây là câu nói, hay là thông điệp chỉ được nhiều người Bạc Liêu thâm tình chia sẻ. Nhưng có vùng đất nào đi lên, bứt phá được nếu cái bản sắc, cái “chất” riêng không được gìn giữ, phát huy?
Có một thông tin có lẽ ít được lãnh đạo và người dân Bạc Liệu nhắc đến, là cuối tháng 9/2016 vừa qua, Bạc Liêu đã xin Thủ tướng Chính phủ bỏ quy hoạch Nhà máy nhiệt điện Cái Cùng, kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ để trở thành “thủ phủ” của tôm. Đó đơn giản là lựa chọn của riêng Bạc Liêu, không đem ra so sánh, nhưng đã khiến người dân nơi nơi mừng vui, phấn khởi. Định hướng phát triển bền vững có thể không đưa Bạc Liêu tiến lên quá nhanh, nhưng đã thành biểu tượng của sự đồng thuận.
Nơi nào có sự đồng thuận, đồng sức, đồng lòng, nơi đó có niềm tin, nơi đó có chiến thắng!
Bạc Liêu sẽ đoàn kết, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn
Những thành tựu đạt được 20 năm qua sẽ tạo ra cho tỉnh Bạc Liêu thế và lực mới làm nền tảng cho tỉnh nhà phát triển trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đối với một tỉnh xa trung tâm, điều kiện giao thông không thuận lợi, cùng với những diễn biến phức tạp về dịch bệnh và tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng sẽ là những khó khăn, thách thức rất lớn. Mặc dù, kinh tế – xã hội của tỉnh đã có sự phát triển nhưng chưa bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch vẫn còn chậm; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi; đời sống một bộ phận nhân dân vẫn còn khó khăn; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; nhu cầu đầu tư phát triển của tỉnh rất lớn nhưng khả năng cân đối vốn của ngân sách có hạn… đã và đang là những thách thức lớn đối với sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, đòi hỏi Đảng bộ, quân và dân Bạc Liêu phải tiếp tục đoàn kết, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, đưa kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững hơn…
Với nền tảng truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa của quê hương và những thành tựu đã đạt được từ 20 năm qua; cùng với sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tỉnh nhà sẽ phấn đấu đưa Bạc Liêu phát triển nhanh hơn vào tốp khá của khu vực và tốp trung bình khá của cả nước, đạt mục tiêu Đại hội Đảng bộ của tỉnh lần XV đã đề ra.
Kiên Giang – Minh Luân/ NB&CL
Leave a Reply