Bạc Liêu 20 năm nhìn lại: Xứng danh đất lành chim đậu (Kỳ 1)

LTS: Chỉ còn hơn 60 ngày nữa, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bạc Liêu sẽ tổ chức chương trình kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Bạc Liêu (1/1/1997-1/1/2017) với rất nhiều niềm hân hoan, phấn khởi, tự hào. Tất cả những nơi chúng tôi đi qua, những người chúng tôi gặp gỡ, những kỷ niệm trong ngày tái lập tỉnh cứ lần lượt ùa về…

Bạc Liêu mang cái tên này từ năm 1900 khi thực dân Pháp chiếm Nam Kỳ Lục tỉnh. Thời Pháp thuộc, xứ Bạc Liêu dân cư đông đúc, chợ búa tấp nập, du lịch phát triển… Nhưng từ 1956 về sau, việc Bạc Liêu nhiều lần bị chia tách, sáp nhập, giải thể, kinh tế èo uột, đã khiến người Bạc Liêu luôn mong được “lấy lại tên mình”. Mãi tới 1/1/1997, Bạc Liêu mới chính thức tái lập, trở thành động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bạc Liêu quyết tâm hành động và kiến tạo, phục sinh những thịnh vượng từng có.

Ngày 1/1/2017 tới đây, Bạc Liêu sẽ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, Báo NB&CL sẽ cùng Đảng bộ, chính quyền, doanh nhân và người dân Bạc Liêu ôn lại những khó khăn, gian khổ thuở tái lập, những thành quả họ đã tạo nên, những trở ngại, vướng mắc còn cản bước…

Vùng đất nhiều thăng trầm

Danh xưng “Bạc Liêu” theo “Bạc Liêu Thế và Lực trong thế kỷ XXI”, thì đọc theo tiếng Trung, giọng Triều Châu là Pô Léo, có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc, tức nghề chài lưới, đánh cá, đi biển. Pô phát âm theo tiếng Hán Việt là “Bạc” và Léo phát âm là “Liêu”. Có giả thuyết khác cho rằng: Pô là bót, đồn. Liêu là Lào (Ai Lao) theo tiếng Khơme. Còn người Pháp, họ căn cứ vào tên Pô Léo theo tiếng Triều Châu nên gọi vùng đất này là Phêcheri – chaume (đánh cá và cỏ tranh). Như cái tên Bạc Liêu với nhiều, rất nhiều giả thuyết thú vị, đã phần nào thể hiện sự thăng trầm, biến cố của vùng đất trù phú vẫn ngày ngày được sa bồi vươn mình ra biển này.

Bạc Liêu nằm giữa các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng và Cà Mau, có bờ biển dài 56km giàu hải sản, phía trong là những đồng bằng trù phú, xen giữa là hằng hà sông ngòi, kênh rạch…, xứng danh “đất lành chim đậu”.

Bắt đầu từ năm 1680, Mạc Cửu, một di thần nhà Minh (Trung Quốc) đến vùng Mang Khảm chiêu tập một số lưu dân người Việt, người Hoa cư trú ở Mang Khảm, Phú Quốc, Rạch Giá, Long Xuyên (Cà Mau), Luống Cày (Lũng Kỳ), Hưng úc (tức Vũng Thơm hay Kompong som), Cần Bột (Campốt) lập ra những thôn xóm đầu tiên trên đất Bạc Liêu.

Bình minh trên công trình điện gió Bạc Liêu – Ảnh: Thanh Toàn.

Năm 1708, Mạc Cửu dâng vùng đất Mang Khảm cho chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa Nguyễn đặt tên toàn bộ thôn xóm vùng này là trấn Hà Tiên, phong Mạc Cửu là Tổng binh trấn Hà Tiên để ông lập dinh trại đồn trú, khiến nhân dân quy tụ ngày càng đông. Năm 1757, chúa Nguyễn Phúc Khoát thu nhập thêm vùng đất Ba Thắc, lập ra Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (Sóc Trăng, Bạc Liêu), toàn đất phương Nam giờ thuộc về chúa Nguyễn…

Đến ngày 18/12/1882 sau khi chiếm Nam Kỳ Lục tỉnh, thực dân Pháp thành lập địa hạt Bạc Liêu (Arrondissement de Bạc Liêu), là địa hạt thứ 21 của Nam Kỳ. Ngày 20/12/1899, Toàn quyền Đông Dương ký sắc lệnh bỏ xưng danh địa hạt, đổi thành tỉnh, áp dụng cho toàn Nam Kỳ vào ngày 1/1/1900. Tỉnh Bạc Liêu ra đời từ đó.

Sau này, Bạc Liêu đã trải qua nhiều lần bị chia tách, sáp nhập, giải thể rồi tái lập vào 8/9/1964 dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Sau năm 1975, Bạc Liêu hợp nhất với Cà Mau thành một tên là Cà Mau – Bạc Liêu (đầu 1976), là Minh Hải (cuối 1976), rồi nằm trong Minh Hải suốt hơn 20 năm.

Cho tới ngày 1/1/1997, tỉnh Bạc Liêu được tái lập lần thứ 2 trong niềm hạnh phúc vỡ òa của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân nơi đây, cũng là thời điểm họ bắt đầu một hành trình 20 năm nhiều chông gai, khổ nhọc nhưng cũng lắm tự hào.

Những kỷ niệm bùi ngùi sống mãi

Về Bạc Liêu, chúng tôi ghé thăm anh Tư Trường Giang, tên thật là Nguyễn Trường Giang, người kinh qua nhiều chức vụ như GĐ Sở Thương mại Minh Hải; Phó Chủ tịch lâm thời UBND tỉnh Bạc Liêu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu…, trong một chiều mưa, muỗi bay đầy hiên nhà. Liệt kê một số chức vụ thôi, đã thấy anh đã sống và gắn bó với Bạc Liêu nhiều như thế nào.

Anh kể: “Thời điểm ấy Bộ Chính trị họp bàn về tách một số tỉnh phía Bắc, bác Kiệt (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – PV) mới hỏi văn phòng là có tờ trình của tỉnh Minh Hải không. Sau đó bác mới gọi cho Bảy Trị (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải Phạm Thạnh Trị – PV) hỏi “Tại sao Minh Hải không có đề nghị tách tỉnh?”. Trước đó Bộ Chính trị cũng có chủ trương ngưng xem xét việc tách tỉnh, nên thường vụ tỉnh ủy Minh Hải không dám đề xuất. Bác Kiệt lúc đó mới gọi Bảy Trị ra Hà Nội gấp để trực tiếp hướng dẫn các thủ tục. Tỉnh Minh Hải thì họp gấp Ban thường vụ Tỉnh ủy để thông qua Nghị quyết xin tách tỉnh, gửi gấp ra cho Thủ tướng. Bộ Chính trị sau đó họp, rồi đồng ý, nên việc Bạc Liêu và Cà Mau tách làm hai là vô cùng bất ngờ, không có sự chuẩn bị gì hết…”

“Dân ở dưới Minh Hải Cà Mau một số thì đồng tình, một số cũng không muốn thay đổi đâu. Nhưng riêng dân gốc Bạc Liêu thì rất mong chờ. Việc tách tỉnh nó trúng vào tâm lý của người dân, của cả cán bộ về hưu, cán bộ đương nhiệm…, nên không khí hồ hởi phấn khởi lắm! Và tất nhiên cũng có rất nhiều khó khăn. Bạc Liêu khi đó rất nghèo, không có tiền bạc đầu tư gì cả, thị xã chỉ như thị trấn nơi khác, có lãnh đạo còn phải đi xe 15 chỗ, không có xe 4 chỗ mà đi… Nhưng phải nỗ lực vượt qua thôi”, anh cười rất vui khi nói về tâm tư của người dân Minh Hải khi đó.

Sau cuộc trò chuyện “chớp nhoáng” của chúng tôi với anh Tư Trường Giang, Bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu Lê Minh Khái cũng rất vui vẻ khi biết báo NB&CL muốn làm “người kể chuyện” câu chuyện Bạc Liêu 20 năm nhìn lại. Anh sẽ sắp xếp để nói về quê hương Bạc Liêu mình trong quá khứ, về 20 năm Bạc Liêu trở mình cất cánh.

Sự chân thành và cởi mở thật dễ nhận thấy ở Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam. Ngay trong cuộc họp, chị đã sắp xếp cho chúng tôi cuộc chuyện trò với GĐ Trần Quốc Nông, PGĐ La Thanh Việt, Trưởng phòng BC-XB Lâm Thái Nghiệp của Sở TTTT Bạc Liêu, những người hiểu, gắn bó và nặng lòng với Bạc Liêu từ thuở rời Minh Hải về đây “tiếp quản”. Và tình cờ, chúng tôi được biết về anh Trần Quốc Nông của thời Bạc Liêu bề bộn như một đại công trường.

Các anh không nói nhiều về giai đoạn “tay nải lên đường” của mình, nhưng Y Lan (bút danh của Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Huy Thái) đã kể lại những kỷ niệm thật giản dị: “Hồi ấy, anh Trần Quốc Nông với chức danh Bí thư lâm thời Tỉnh Đoàn Bạc Liêu. Tài sản lúc đó chỉ là một chiếc máy đánh chữ hiệu Olympic đã cũ. Nhưng có lẽ tài sản lớn nhất lúc đó chính là sự phấn chấn trong khí thế vui mừng chung của sự kiện tái lập tỉnh…”. Hay ngày Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm, anh Huy Thái đã “độc lập tác chiến”, tự mua cờ Tổ quốc, đi xin cây tầm vông làm cán rồi treo lên trước cơ quan để chào đón. Sáng hôm sau, anh đứng trên sân thượng theo dõi và đinh ninh là Thủ tướng ngồi trong xe đã nhìn thấy lá cờ do chính tay mình treo lên… Và có lẽ chính tuổi trẻ, bầu nhiệt huyết căng đầy của người trẻ Bạc Liêu các anh đã góp phần xắp xếp lại một Bạc Liêu bề bộn trở nên ngay ngắn, đẹp đẽ ở hôm nay.

Minh Hải chia đôi sau hơn 20 năm, vui mừng cũng nhiều, nhưng chắc xao xuyến cũng lắm lắm.

Như anh Huy Thái, giờ nhắn tin với đồng nghiệp Minh Hải xưa, luôn muốn bông đùa hoài cái câu cũ rích “Chia dấu hỏi, không chia dấu huyền” (chia tỉnh, không chia tình), khi những kỷ niệm về một thời Minh Hải luôn chực chờ ùa về. Anh nhớ cái khoảnh khắc U Minh Hạ bữa nào đó, trong tứ bề là tràm, nắng thì hanh hao vàng như “ướp mật vào hơi em thở”, những tiệc rượu chia tay tiễn biệt bạn bè về tỉnh mới…

Những ngày ở Bạc Liêu, chúng tôi cùng người dân nơi đây tản bộ trên Quảng trường Hùng Vương rộng rãi, ngắm du khách và những cô gái trẻ của CLB Aerobic Nắng Mai với bước chân, dáng hình thanh thoát trên nền đá láng bóng, tuyệt mỹ. Người bạn địa phương của tôi mới nói: Người Bạc Liêu, với 3 dân tộc là người Kinh, người Khmer và người Hoa mấy trăm năm qua cùng chung sức chung lòng dựng xây quê hương và gìn giữ nét đẹp văn hóa của mình. Nhưng nét đẹp văn hóa ấy là gì? Nó không có trong những khúc nhạc đờn ca tài tử da diết, cũng không nằm ở cái phong cách “dám làm dám chơi” của vị công tử nổi danh, mà ở trong chính mỗi con người Bạc Liêu, hữu hảo, cầu tiến và dám làm.

Bạc Liêu có diện tích tự nhiên 2.570 km 2 , bằng 1/16 diện tích của Vùng ĐBSCL, với dân số 874.107 người (tính đến năm 2013). Tỉnh hiện có 7 đơn vị hành chính là: TP Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Đông Hải, Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai.

Kiên Giang – Minh Luân/ NB&CL