Người ta thường biết Cao Văn Lầu là tác giả bài Dạ cổ hoài lang nổi tiếng trong di sản Đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại, nhưng ít người biết được những giai thoại về tiếng đàn mê hoặc và cuộc đời cơ cực ẩn dật của người nhạc sĩ yêu nước.
Chúng tôi về Bạc Liêu và tìm tới thăm gia đình cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhưng mọi dấu tích về ngôi nhà của ông đã không còn nữa. Khu lưu niệm nhạc sĩ được xây dựng với mấy tòa nhà gỗ kiên cố làm khu trưng bày, khu biểu diễn và tượng đài.
Thật may chúng tôi gặp cháu nội nhạc sĩ là anh Cao Tấn Lực (sinh năm 1974) cũng làm việc tại khu lưu niệm, đưa về thăm nhà thờ. Anh Lực hiện sống cùng vợ con ở ngôi nhà cách khu lưu niệm một con đường, thờ phụng ông nội, bố. Nhà treo rất nhiều tranh ảnh, tư liệu về nhạc sĩ.
Mặc dù cố nhạc sĩ rất tài hoa, nhưng cuộc sống rất cơ cực. Anh Lực cho tôi xem mảnh giấy cũ của người chủ đất Bạc Liêu trong đó ghi lại việc nhạc sĩ không có đất đai nhà cửa gì cả, nên bà đã phải tặng gia đình ông miếng đất làm nơi ở và sinh sống mà nay được sử dụng làm khu lưu niệm.
Giấy ghi: “Tôi là Hồ Thị Thêu 82 tuổi… Gia đình chúng tôi có 10,3 ha đất. Khoảng năm 1964-1965 gia đình xét thấy hoàn cảnh ông Hoài (Nhạc sĩ Cao Văn Lầu sống cùng người con trai là ông Hoài, bố của anh Lực – PV) khó khăn nên gia đình có cho ông Cao Văn Hoài 1,3 ha đất để gia đình ông canh tác cải thiện cuộc sống và bảo vệ phần đất canh tác của chúng tôi. Nay xin xác nhận”.
Nhạc sĩ Cao Văn Lầu sinh sống bằng việc lập một ban nhạc lễ. Ban nhạc lễ này ngoài biểu diễn trong dịp cúng đình làng thì chủ yếu mưu sinh bằng nghề chơi nhạc trong các đám ma. Bảo tàng hiện trưng bày những nhạc cụ gốc mà ban nhạc lễ Cao Văn Lầu sử dụng gồm đàn tranh, đàn nhị, trống, chiêng, trống cơm…Nhớ vợ mà thành nhạc sĩ
Theo anh Lực thì gia đình kể lại ông Cao Văn Lầu ít sáng tác nhạc, chủ yếu ông sưu tầm bài bản để phục vụ ban nhạc lễ và dạy cho học trò. “Ông tôi và bà lấy nhau mấy năm không có con. Gia đình trả bà nội về cho bên ngoại. Bà tôi tên Trần Thị Tấn, là con gái gia đình có giáo dục tốt. Ông nhớ bà quá, cứ đi chơi nhạc đám tang về lại trầm ngâm chơi đàn mà viết lên bài Dạ cổ hoài lang (Đêm nghe tiếng trống nhớ chồng).
Anh Lực lại kể: “Ông nội nhớ bà đến mức, đang đêm trốn đi lên nhà ngoại thăm vợ. Một hôm về nhà, báo: Vợ con có mang rồi. Bà cố chưa tin lắm, nên dò hỏi đầu đuôi, sau chắc chắn thì lên xin bên ngoại đón dâu về nhà. Từ đó ông bà được ở gần nhau rồi sinh thêm mấy người con nữa”.
Bài Dạ cổ hoài lang có những câu như: “Từ là từ phu tướng/Báu kiếm sắc phán lên đàng/Vào ra luống trông tin nhạn/Năm canh mơ màng/Em luống trông tin chàng”. Bài hát miêu tả tâm trạng người vợ mong ngóng chồng đang trên đường chinh chiến. Nhiều người liên tưởng đến việc bài hát này nói lên tâm trạng người yêu nước từ phong trào Cần Vương chống Pháp.
Bởi hình ảnh mang tính ước lệ người lính vung gươm kiếm ra sa trường vốn khá phổ biến trong nhiều tác phẩm của Lưu Hữu Phước, Văn Cao… như một biểu tượng nghệ thuật thời đầu thế kỷ 20 của lớp trẻ nhiệt huyết muốn cứu nước. Bản thân nhạc sĩ 2 lần bị Sở mật thám Pháp tra hỏi về bài Dạ cổ hoài lang vì cho rằng tác phẩm này kích động người dân chống chính quyền.
Câu hỏi là vì sao sáng tác của một người chơi nhạc đám tang ở tỉnh lẻ xa xôi lại nổi tiếng cả nước và giai điệu của nó trở thành bài hát sử dụng rất nhiều trong đờn ca tài tử và cải lương?
Nhà nghiên cứu, cố nghệ sĩ Lâm Tường Vân, trong bài “Nhìn lại quá trình ra đời bản Dạ cổ hoài lang”(Sách 90 năm bản Dạ cổ hoài lang, Sở Văn hóa Thể thao và du lịch Bạc Liêu xuất bản) có viết cụ thể như sau: “Nhân dịp đoàn nghệ sĩ ca Huế vào thăm miền Nam, sau khi đến miền Đông rồi đi thẳng xuống Bạc Liêu, các nhạc sĩ Bạc Liêu đề nghị nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác gấp một bản nhạc để tặng đoàn nghệ sĩ Huế làm kỷ niệm. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu đem bản Dạ cổ hoài lang tặng đoàn nghệ sĩ Huế. Và từ đó, bản Dạ cổ hoài lang đã chính thức ra công chúng”.Sự thật nghệ sĩ Cao Văn Lầu dùng tiếng đàn cứu tử tù
Chị Hiền hướng dẫn viên Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại phường 2, thành phố Bạc Liêu thường giới thiệu cho du khách câu chuyện có một không hai của âm nhạc Việt Nam, đó là dùng tiếng đàn cứu tử tù cách mạng.
Chị Hiền cho biết: “Theo nghiên cứu và đã được chính quyền Bạc Liêu xác nhận thì Bạc Liêu vốn là cái nôi hoạt động cách mạng trước năm 1945, đến thời chống Mỹ phong trào cách mạng cũng rất mạnh. Tuy vậy, nhiều chiến sĩ cách mạng đã bị địch bắt và một số chuẩn bị chịu án tử hình. Trước tình hình quá nguy cấp, cách mạng đã liên hệ với nghệ sĩ Cao Văn Lầu và nhờ ông dùng tiếng đàn để giúp giải cứu các chiến sĩ cách mạng”.
Để giúp giải cứu các chiến sĩ cách mạng, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã tổ chức buổi đờn ca tài tử ở gần trại giam. Đêm hôm đó, ông đã chơi những bản nhạc hay nhất với những nghệ thuật tinh túy nhất của âm nhạc dân gian Việt Nam và rất có thể trong đó có tác phẩm Dạ cổ hoài lang do chính ông sáng tác, khiến những tên lính gác say sưa, không thể nào dứt được dòng thác âm thanh vô tận.
Ông đã chơi nhạc trước mũi súng của kẻ thù, bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Hai nhạc cụ chính mà ông trực tiếp sử dụng là đàn tranh và trống ta. Chính trong lúc ấy, đội cảm tử đã lọt vào trong trại giam và giải cứu được toàn bộ những chiến sĩ cách mạng sắp phải chịu án tử hình. Sau đó, để tránh bị lộ, người nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu bước vào cuộc đời ẩn dật của mình.
Tìm về nhà người cháu nội của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tôi được xem “Giấy chứng nhận” về việc nghệ sĩ Cao Văn Lầu đã dùng tiếng đàn của mình giải cứu chiến sĩ cách mạng. Giấy chứng nhận viết: Tôi tên Trần Văn Sốm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu (hồi kháng chiến chống Pháp) nay là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Nội chính trung ương, chứng nhận: Tôi có giao cho nhạc sĩ Cao Văn Lầu một công tác giải thoát cho một số cán bộ tỉnh ủy và huyện ủy Giá Rai bị địch bắt cầm tù. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và đã giúp cho các đồng chí nói trên được trở về tiếp tục công tác. Để tưởng nhớ người có công với cách mạng, tôi xin chứng nhận sự việc này. TPHCM 20/9/1985”.
Còn mãi Dạ cổ hoài lang
Chủ tịch Hội Sân Khấu TPHCM nhận xét rằng Dạ cổ hoài lang là “một báu vật của nền âm nhạc cải lương Nam bộ”. Thạc sĩ Huỳnh Văn Khải, trong bài viết “Nhận định giá trị nghệ thuật của bản Dạ cổ hoài lang” đã viết rằng: “Nét đẹp trong nghệ thuật soạn nhạc để hình thành nên bản Dạ cổ hoài langđược xem như một trong những mẫu mực cho thế hệ nhạc sĩ thừa kế nghiên cứu”.
Chúng tôi đến thăm nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, người năm 1938 đã đàn cho cô Năm Cần Thơ hát Dạ cổ hoài lang. Nhạc sĩ có lẽ là một trong số rất ít những nghệ sĩ cựu trào còn lại từ thủơ “ban đầu” của kiệt tác ấy. Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo nói: “Tôi đã từng gặp ông Cao Văn Lầu và thấy ông ấy là một con người rất giản dị, thậm chí có người sẽ ngạc nhiên nếu biết đó chính là tác giả của bài Dạ cổ hoài lang, bởi vì ông ấy học hỏi được rất nhiều giá trị âm nhạc từ kho tàng cổ nhạc của dân tộc mà viết nên tác phẩm ấy”.
Cháu nội của nhạc sĩ, anh Cao Tấn Lực kể: “Nhà tôi đa số theo cách mạng. Năm 1975 hòa bình thống nhất, các chú ngoài Bắc về thăm, ông tôi rất mừng. Trong nhà, ông tôi truyền lại âm nhạc cho hai người thuộc hai thế hệ là con và cháu, nhưng không ai theo chuyên nghiệp. Ông tôi nói, nghề này thì nghèo lắm, lại cần sự siêng năng chuyên chú học hành mới thành công được”.
Nhạc sĩ Cao Văn Lầu sinh năm 1892 và mất năm 1976, khi ấy ông không bệnh tật gì. Anh Lực kể: “Ông tôi kêu mệt, nằm nghỉ rồi nhắm mắt nhẹ nhàng mà đi, không đau ốm gì cả, cũng không trăng trối gì. Cả đời gia tài ông tôi chỉ có mấy cây đàn dân tộc cũ kỹ. Gia đình chúng tôi bùi ngùi bảo nhau giữ lại để giao cho bảo tàng, thế thôi”.
_____________
7/2016
Tác phẩm của Cao Văn Lầu thậm chí đã thành tên gọi của một dòng nhạc gọi là vọng cổ (tên ban đầu của tác phẩm là Dạ cổ hoài lang, nghĩa là “đêm nghe tiếng trống nhớ chồng”, nhưng dân gian hay gọi tắt bài hát là vọng cổ (nghe tiếng trống). “Ca vọng cổ”, “mê vọng cổ”, “xem vọng cổ”… trở thành những thuật ngữ trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Tác phẩm của ông được sử dụng rộng rãi trong cải lương và đờn ca tài tử (giữ nét nhạc, thay lời theo kịch bản và theo hoàn cảnh mới), thậm chí nét nhạc cũng được biến hóa theo thời gian và nhu cầu thưởng ngoạn hàng trăm năm của khán giả.
Theo Tiền Phong
Leave a Reply