Tâm huyết để “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”

“Bạc Liêu đi lên từ văn hóa” là một quan điểm chỉ đạo mới của Tỉnh ủy đối với sự phát triển của Bạc Liêu trong chặng đường hiện tại và lâu dài về sau.

Để làm rõ hơn quan điểm này, một cuộc hội thảo với quy mô khá lớn đã được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Báo Bạc Liêu, Đài PT-TH tỉnh, Sở VH-TT&DL tổ chức giữa tháng 5/2013. Hội thảo đã nhận được trên 30 tham luận của các sở, ngành, địa phương, đó cũng là những đề xuất, hiến kế đầy tâm huyết của “trí tuệ tập thể” vì một “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa” và phát triển bền vững. Báo Bạc Liêu sẽ lần lượt giới thiệu những tham luận này để các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục phân tích, luận bàn và áp dụng vào thực tiễn, cùng góp trí – lực thực hiện quan điểm mới, vì một Bạc Liêu phát triển…

Với quan điểm “đi lên từ văn hóa”, có thể xem đây là một sự xác định và khẳng định táo bạo cho một tỉnh nghèo như Bạc Liêu. Sự táo bạo ấy chứa đựng khát khao trong việc tìm tòi hướng đi cho riêng mình, với mục đích cao nhất là vực dậy Bạc Liêu, để Bạc Liêu tăng tốc trong phát triển.

Nhưng cũng cần thống nhất ngay từ đầu “đi lên từ văn hóa” không có nghĩa là tách rời văn hóa, để văn hóa đơn phương duy ý chí, gồng gánh kéo con tàu Bạc Liêu… mà trái lại, sự đi lên ấy được gắn kết, hòa quyện, thúc đẩy bởi tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội qua đòn bẩy kinh tế; văn hóa với vai trò là “chìa khóa mở đường” như chức năng vốn dĩ của nó.

Để củng cố sứ mệnh văn hóa trong việc đưa con tàu Bạc Liêu đi lên, thiết nghĩ cũng cần tìm hiểu xem nội hàm của văn hóa là gì, văn hóa có vị trí, chỗ đứng thế nào trong đời sống vật chất và tinh thần của con người, trong tâm hồn con người, trong phát triển của xã hội…

Có rất nhiều cách hiểu, cách nhìn nhận, lý giải khác nhau về văn hóa. Tùy theo sự nhận thức, tập quán, tín ngưỡng của mỗi quốc gia, dân tộc mà có sự thêm, bớt theo tính chủ quan của mình. Tuy nhiên vẫn có điểm chung: Văn hóa là sản phẩm do con người tạo ra trong quá trình lao động sáng tạo, nhằm mục đích sinh tồn. Văn hóa là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của xã hội hay một nhóm người trong xã hội mà nó chứa đựng; ngoài văn học – nghệ thuật (VHNT), cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin. Văn hóa là trình độ phát triển của con người và xã hội được biểu hiện trong các kiểu và hình thức tổ chức đời sống và hành động của con người cũng như trong giá trị vật chất và tinh thần mà con người tạo ra. Văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình xã hội hóa. Văn hóa được tái tạo và phát triển trong quá trình hành động và tương tác xã hội của con người…

Tuy nhiên, tôi vẫn thích thú và tâm đắc hơn hết với cách nhận diện văn hóa: “Văn hóa là cái còn lại khi những cái khác đã mất đi, đã bị quên lãng…”. Với cách nhận diện này thì văn hóa Bạc Liêu còn lại gì trong cái đã bị quên lãng? Và chúng ta có thể tìm ra bao nhiêu là từ khóa về văn hóa Bạc Liêu (VHBL).

Theo cách hiểu thông thường, văn hóa còn được hiểu là VHNT như: thơ ca, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh… Từ đây ta nhận ra VHBL có một độ dày suốt chiều dài lịch sử. Nào là “chiếc nôi” của đờn ca tài tử (ĐCTT), của bài ca “vua” Dạ cổ hoài lang. Nào là Bạc Liêu có đội ngũ đông đảo các bậc anh tài – những người đã góp công khai xướng, giữ gìn và phát triển loại hình ĐCTT rất độc đáo Nam bộ và độc đáo… Bạc Liêu. Đó là những Nguyệt Chiếu, Nhạc Khị, Cao Văn Lầu, Ba Chột, Bảy Cao, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Lư Hòa Nghĩa, Yên Lang… Chính họ đã làm nên cái riêng và cái duyên qua sự nối dài cho bộ môn sân khấu cải lương với nhiều nhịp gõ (nhịp 2, nhịp 4…, nhịp 16 rồi nhịp 64) mà mỗi nhịp gõ song lang đều gắn liền với tên tuổi lớn của những nghệ nhân, nghệ sĩ được sinh ra trên mảnh đất hiền hòa này.

Nhân đây xin thông báo một tin vui cho người hâm hộ và giới sân khấu cải lương, cho người làm công tác văn hóa là: Bạc Liêu đang gấp rút chuẩn bị cho Festival ĐCTT có tầm quy mô để làm bước đệm cho UNESCO công nhận loại hình này là loại hình văn hóa phi vật thể. Và khi đó, VHBL có thêm vị thế mới trong kho tàng văn hóa Việt Nam…

Nói đến VHBL, không thể không nhắc đến một nền nhiếp ảnh đi qua một thời chiến tranh nối dài cho đến thời bình, thời xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với đội ngũ những nhà nhiếp ảnh hùng hậu so với các tỉnh, thành trong cả nước với những tên tuổi: Võ An Khánh, Trần Bỉnh Khuôl, Đặng Quang Thanh, Đặng Quang Vinh, Thu Đông, Lê Đức Toại… và nhiều nhà nhiếp ảnh trẻ khác nữa. Có thể nói nhiếp ảnh Bạc Liêu không “thua chị, kém em” là công lớn ở đội ngũ này.

Nói đến VHBL không thể không nhắc đến hàng trăm tác phẩm VHNT có giá trị, đi vào lòng người mà tỉnh đang sở hữu. Trong đó có âm nhạc, thơ ca, sân khấu cải lương, điêu khắc, hội họa… mà mạch cảm xúc bắt nguồn từ vùng đất – con người Bạc Liêu của các văn nghệ sĩ từ khắp cả nước và văn nghệ sĩ địa phương sáng tác nên. Đây cũng là kho tàng văn hóa, là vốn quý cho Bạc Liêu “lận lưng” trong quá trình hòa nhập với thời đại.

Một cách nhận diện khác nữa, văn hóa còn là cách sống, bao gồm cả việc cư xử, phong tục, đức tin, tri thức, phong cách ẩm thực… của một xứ sở, một miền đất… Với cách tiếp cận đó thì Bạc Liêu có gì? Xin trích một đoạn của một bài báo cũ viết về Bạc Liêu trong thời gian chưa xa: “Bạc Liêu là xứ sở của những con người hào phóng, bạt mạng nhưng nhân hậu, trọng nghĩa, khinh tài, có trước có sau, rạch ròi, cương trực, “ra đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” như tính khí của người Nam bộ, không cần khách sáo, ban ơn, không cần trả nghĩa, vô tư như chuyện phải làm…?”.

Ở một đoạn khác: “Tôi lục tìm xem xứ sở này có điều gì mà người tha phương vẫn vời vợi bao nỗi nhớ. Và tôi chợt nhận ra, nỗi nhớ người tha phương mênh mang không định sẵn, đôi khi là bến nước, con đò, một nụ cười duyên với má lúm đồng tiền bất chợt, một cánh cò bay lả trong ca dao… Bạc Liêu xưa nay vẫn thế, vẫn bình dị theo thời gian, vẫn đồng lúa xanh bời bời, những dòng sông chằng chịt, đan xen như lòng bàn tay. Vẫn còn đó hình ảnh con đò, xuồng ba lá, nón lá chao nghiêng của cô thôn nữ… Và mỗi nhánh sông hiền hòa của Bạc Liêu vẫn luôn ẩn chứa những tầng nấc văn hóa sông nước cho riêng mình… Sự vương vấn đâu đòi hỏi điều gì to tát, cao xa; Đôi khi chỉ là những điều rất nhỏ, thoảng qua. Một tô bún mắm bốc khói ấm nồng trong một chiều mưa, một nồi canh chua cơm mẻ, cá rô đồng nấu với bông so đũa, cá lóc nướng trui qua bàn tay chai sần, pha chút lãng tử của miền sông nước…”.

Văn hóa còn được tiếp cận ở góc độ lịch sử, chính trị. Ở góc độ này, Bạc Liêu có những chiến tích nhân văn nhân bản và cũng rất… nhân từ – hai lần cướp chính quyền không một tiếng súng, không một giọt máu rơi, là một sự táo bạo chọn phương kế mà vẫn đạt được mục đích giành chính quyền một cách trọn vẹn và cũng rất… nhân từ. Tôi cho đây là một hành động cách mạng vượt lên trên cả văn hóa thông thường để kết tinh thành văn hóa của lòng nhân ái…

Bạc Liêu còn có dấu ấn khó phai trong lòng mọi người. Đó là đồng Nọc Nạng lẫy lừng tên tuổi anh em Mười Chức – một khí phách quật cường của người nông dân Nam bộ chống áp bức, bất công. Có Chủ Chọt – thủ lĩnh tự phát người Khmer Nam bộ tập hợp dân làng, xây thành cát cứ đánh Tây, Mã tà, thách thức ngoại bang cướp nước. Bạc Liêu có đền thờ Bác Hồ sừng sững, hiên ngang suốt một thời bom đạn, để cán bộ nhân dân giữ Bác trong tim và giữ lửa trái tim mình…

Bạc Liêu có một nền văn hóa cộng cư của 3 dân tộc Kinh – Hoa – Khmer quyện chặt trong nhau tự bao giờ không ai còn nhớ nữa. Sự cộng hưởng giao thoa 3 trong 1 trên các phương diện tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, phong tục và cả những năng lực, thói quen của mỗi dân tộc tạo thành nét văn hóa riêng có ở Bạc Liêu, gắn kết 3 dân tộc thành anh em một nhà.

* * *

Vâng, có một bề dày văn hóa là điều đáng tự hào, “là cái phúc” cho tỉnh. Nhưng chỉ dừng lại ở đó thôi cũng là niềm tự hào trong thụ động. Vấn đề là phải biết khai thác giá trị, chuyển hóa văn hóa phục vụ cho phát triển – đây mới là cốt lõi của vấn đề.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội (KT-XH) phát triển. Văn hóa có mối quan hệ thống nhất biện chứng với kinh tế, chính trị. Xây dựng và phát triển phải nhằm mục tiêu cuối cùng là văn hóa. Trong mỗi chính sách KT-XH luôn bao hàm nội dung về văn hóa. Ngược lại, văn hóa có khả năng khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người – nguồn nhân lực quyết định sự phát triển xã hội.

Trong xã hội suy cho cùng là chỉ có 2 nền tảng: Nền tảng vật chất (kinh tế) và nền tảng tinh thần (văn hóa). Hai nền tảng này bổ sung cho nhau cùng phát triển. Nếu thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế, giữa tiến bộ và công bằng xã hội thì không thể phát triển KT-XH bền vững. Văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của phát triển kinh tế.

Đến đây ta có thể nói: Giá trị tinh thần (văn hóa) đóng vai trò quyết định, là nền tảng tinh thần xã hội, là “hòn đá tảng” của sự phát triển KT-XH. Vì vậy, việc Bạc Liêu xác định “đi lên từ văn hóa” là sự chọn lựa có tính biện chứng trong mối quan hệ giữa văn hóa và các lĩnh vực khác, nên có tính thuyết phục. Nói khác đi là sự sàng lọc thế mạnh để làm đòn bẩy đưa Bạc Liêu phát triển thì văn hóa vẫn là tính trội.

VHBL là văn hóa đa dạng. Nhưng nếu sàng lọc, bóc tách trong văn hóa theo cách hiểu thông thường như đã nói ở phần trên (tức văn hóa là VH-NT) thì sự thống lĩnh vẫn là loại hình ĐCTT. Vì sao? Vì ĐCTT vừa huy động được tính đại chúng, tính nhân dân, vừa mang phong cách tài tử sang trọng, phóng khoáng nhưng cũng rất bác học! Đây là cái “độc đáo” và “độc quyền” của ĐCTT Bạc Liêu.

Tuy nhiên, “đi lên từ văn hóa” không chỉ dừng lại ở đó mà phải biết phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lĩnh vực cùng hòa quyện trên cái nền văn hóa. Làm cho hàm lượng văn hóa chiếm lĩnh, chi phối, thẩm thấu trong mọi hoạt động, vận hành.

Ví như trên lĩnh vực du lịch. Du lịch là phương cách quảng bá, giới thiệu về đất nước, con người Bạc Liêu trực quan nhất, sinh động nhất. Bạc Liêu sở hữu nhiều di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh… với nhiều loại hình như du lịch sinh thái, du lịch nghĩ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch nghiên cứu… là một lợi thế riêng của Bạc Liêu. Hơn ai hết, người làm du lịch phải thấu hiểu: khai thác du lịch chính là khai thác văn hóa. Dấu ấn của du lịch là dấu ấn văn hóa. Du khách có ấn tượng với Bạc Liêu hay không, bạn bè có nhớ về Bạc Liêu hay không là do cư xử văn hóa của chúng ta. Ngay cả ẩm thực Bạc Liêu làm du khách khó quên, thì trong cái tinh túy của món ăn cũng chính là cái hương vị văn hóa xoay quanh nó…

Nhân nói về văn hóa du lịch Bạc Liêu, nói về những đặc sắc riêng có của Bạc Liêu, thiết nghĩ cũng cần đề cập đến một nhân vật mà khi nhắc đến khắp thiên hạ đều biết và đều có sự cảm kích ở những cung bậc, trạng thái khác nhau. Đó là Công tử Bạc Liêu! Công tử Bạc Liêu nổi đình nổi đám với lối ăn chơi, ngông nghênh, anh chị… Có người còn thêm thắt nhiều tình tiết ly kỳ, phù phiếm, vừa để lên án, vừa để “sắp xếp thứ bậc, tầng lớp đại gia” công tử ăn chơi “mát trời ông địa”. Nhưng theo người viết, ngay trong lối ăn chơi có một không hai của Công tử Bạc Liêu vẫn có cái “độc đáo của sự sáng tạo” qua các hành động như: Thuê một xe chở giày, một xe chở dù, một xe chở gậy, một xe chở nón… Hoặc lấy tiền mệnh giá 100 đồng đốt làm ánh sáng để tìm tiền 1 đồng của người đẹp sơ ý đánh rơi… Phải chăng là chất ngông nghênh, anh chị có tính “đẳng cấp, bề trên” mà không phải ai cũng “lanh trí” để có quyết định “ngông cuồng hoàn hảo” làm nên dấu ấn để đời… Nếu ta lọc bỏ những thứ có tính tiêu cực như cách nói ngày nay, thì cái còn lại là sự hào hiệp, phóng khoáng… rất Công tử Bạc Liêu? Cái chất “văn hóa đặc sắc” này sao ta không khai thác đến nơi, đến chốn để phục vụ cho du lịch…?

“Đi lên từ văn hóa” là làm cho văn hóa được biểu hiện ngay trong cách giao tiếp, ứng xử trước một sự việc, một vấn đề một cách khéo léo, linh hoạt. Văn hóa có trong lời ăn, tiếng nói, trong cư xử của mỗi con người. “Chim khôn nói tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Cái sự dịu dàng, dễ nghe ấy là văn hóa. “Đi lên từ văn hóa” là làm cho văn hóa thấm sâu trong ý thức, lối sống và hành động của mỗi con người.

Bạc Liêu chủ trương “trải thảm đỏ đón nhân tài” là một chủ trương có tính văn hóa – đón nhân tài, thu hút nhân tài là thu hút tri thức. “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Vì vậy cái việc trải thảm đỏ là tầm nhìn xa, trông rộng, là một cách khôn ngoan, khéo léo trong việc tạo nguồn nhân lực. Đây cũng là hành động văn hóa, văn minh. Mà văn hóa văn minh là thước đo của sự phát triển.

Nói tóm lại: “Đi lên từ văn hóa” là làm cho hàm lượng văn hóa thẩm thấu, hòa quyện, gắn kết, tác động qua lại trên tất cả các lĩnh vực của đời sống vật chất và tinh thần, vào tình cảm của con người trong xã hội. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ trên mọi phương diện giá trị, KT-XH, pháp luật, kỷ cương… biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển.

Văn hóa là sản phẩm do con người sáng tạo ra trong quá trình lao động nhằm mục đích sinh tồn. Bạc Liêu đã sáng tạo, giữ gìn, phát triển một nền văn hóa bản sắc riêng có của vùng châu thổ Cửu Long và đang tiếp nối quy luật ấy trong lao động sáng tạo văn hóa. Việc xác định “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa” là một tâm huyết rất cách mạng và cũng rất… văn hóa.

Nguyễn Duy Hoàng

Tổng Biên Tập Báo Bạc Liêu